100 tấn nước mắm Miwon bị phát hiện đóng cặn
Cập nhật lúc: 27/08/2012
327
Điều đáng tiếc là hãng thực phẩm đến từ Hàn Quốc này lại đổ lỗi cho việc sử dụng muối trong nước.
Theo phản ánh của anh Lê Anh Tú (số 18 ngõ 317 phố Bùi Xương Trạch, Hà
Nội), tháng 6.2012, anh mua 3 chai Miwon Hải Ngư ở siêu thị BigC. Tuy
nhiên, ngày 29.6, khi sử dụng đến chai nước mắm thứ hai, anh Tú phát
hiện chai này và cả chai còn lại đều kết tủa trắng dày đặc ở đáy, dù hạn
sử dụng còn đến tận ngày 7.4.2013.
Anh Tú báo sự việc đến phòng chăm sóc khách hàng của Công ty Miwon Việt
Nam (Miwon) và đợi hơn một tháng nhưng không thấy phía Miwon cử người
tới xem xét hay liên hệ lại với anh. Đến đầu tháng 8, Công ty Miwon mới
trả lời anh Tú.
Đại diện Miwon cho biết, lô hàng nước mắm đóng cặn (trong đó có 3 chai
của anh Tú), có số lượng 100 tấn. Tuy nhiên, diễn biến trên thị trường
và trên các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy, Miwon đã không chủ
động công bố lô sản phẩm bị lỗi theo quy định của Luật An toàn thực
phẩm khi xảy ra sự cố mà chỉ âm thầm “phong tỏa” sản phẩm đã trót đưa ra
thị trường.
 |
Anh Tú và chai nước mắm Miwon Hải Ngư bị đóng cặn. |
Trong văn bản trả lời, Miwon cho biết: “Cặn phát sinh nguyên nhân chính
do sử dụng muối sản xuất trong nước. Trong muối có hàm lượng canxi; khi
sản xuất, canxi kết hợp với thành phần của nước mắm tạo thành canxi
citrate kết tủa thành cặn”.
Chưa hết, Miwon còn lý luận rằng: “Về bản chất, canxi citrarte là một
dạng dễ hấp thụ canxi nhất, do đó để bổ sung canxi cho cơ thể thông qua
sữa, thực phẩm chức năng… các nhà sản xuất đã bổ sung hợp chất canxi
này. Vì vậy có thể kết luận, cặn phát sinh trong nước mắm hoàn toàn
không ảnh hưởng đến sức khỏe con người, tuy nhiên về mặt mỹ quan thì
không nên để phát sinh cặn”.
Có phải lỗi do muối nội?
Trao đổi với PV Báo NTNN, TS Phùng Hà - Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công
Thương) cho rằng, về lý thuyết, việc nước mắm đóng cặn do có canxi
trong muối kết tủa có thể xảy ra. Tuy nhiên, nguyên nhân vì sao lại để
xảy ra đóng cặn cần xem xét cả quy trình sản xuất nước mắm chứ không chỉ
là do muối. Ông Trần Thế Dũng - Trưởng phòng Quản lý sản xuất của Công
ty Muối Việt Nam cho biết, công ty cũng có hai đơn vị sản xuất nước mắm
là Công ty Muối Thanh Hóa và Công ty Muối miền Trung.
Cả 2 công ty này đều sử dụng 100% muối trong nước để sản xuất nước mắm
nhưng chưa từng nghe khách hàng phàn nàn về tình trạng đóng cặn. “Vì sao
các doanh nghiệp khác sử dụng muối trong nước không có cặn mà Miwon lại
để có đóng cặn trong chai như vậy? Miwon phải giải thích rõ việc này” –
ông Dũng nói.
Ông Dũng còn cho biết, Công ty Muối Việt Nam còn xuất khẩu được muối
sang thị trường khó tính như Nhật Bản. Giám đốc một doanh nghiệp nước
mắm có tiếng ở Hà Nội cũng nói với phóng viên NTNN rằng, việc sản xuất
nước mắm mà để đóng cặn là trường hợp đặc biệt hi hữu. Việc Miwon để cho
nước mắm với số lượng lớn như vậy bị đóng cặn cần xem lại quy trình sản
xuất trước khi đổ lỗi cho muối nội.
Điều cần bàn thêm là có thực việc nước mắm bị kết tủa, đóng cặn như vậy
không hề ảnh hưởng đến sức khỏe như khẳng định của Miwon? TS Phùng Hà
cho rằng, lượng canxi trong nước mắm ở mức độ ít sẽ không bị ảnh hưởng
đến sức khỏe, nhưng số lượng nhiều sẽ ảnh hưởng. Thông tin trên, một số
diễn đàn y học, nếu sử dụng nhiều canxi có trong muối và nước mắm… sẽ
dẫn đến một số bệnh, trong đó có bệnh sỏi thận.
TS Phùng Hà cho rằng, Miwon cần phải phân tích rõ ràng lượng canxi trong
nước mắm của mình là bao nhiêu mới có thể kết luận được có hại cho sức
khỏe người tiêu dùng hay không.
|
(Theo Dân Việt)