Đắk Lắk tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm
Cập nhật lúc: 01/07/2024 328
Cập nhật lúc: 01/07/2024 328
Từ ngày 01/01/2024 đến ngày 20/6/2024, tại tỉnh Đắk Lắk: dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 17 hộ, 13 thôn, 9 xã của 07 huyện (Krông Năng; Lắk, Krông Bông, Krông Pắc, Ea Súp, Cư M’gar và Cư Kuin) làm chết và tiêu hủy 189 con với tổng khối lượng 6.335 kg. Bệnh Dại trên chó đã phát hiện và tiêu 12 con chó tại 6 huyện, 10 xã/phường/thị trấn, 12 thôn/buôn, 12 hộ (huyện Cư Kuin 07 con; thị xã Buôn Hồ 01 con; thành phố Buôn Ma Thuột 01 con; Cư M'gar 01 con; Krông Năng 01 con và Ea H’Leo 01 con). Tổng số con chó bị chết và tiêu hủy do mắc bệnh Dại, nghi mắc bệnh Dại là 29 con. Để công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm kịp thời, hiệu quả, hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và cuộc sống của người chăn nuôi, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công điện số 02/CĐ-UBND ngày 25/6/2024 yêu cầu:
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và các địa phương: tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh động vật tại các địa phương; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam; triển khai kịp thời, có hiệu quả kế hoạch tiêm phòng cho đàn vật nuôi, đặc biệt là các bệnh cúm gia cầm, Dại, dịch tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng, viêm da nổi cục, Tai xanh.
![]() |
Cán bộ thú y huyện Cư Kuin phun thuốc khử trùng phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn (Ảnh: Nguồn baodaklak.vn) |
Sở Thông tin và Truyền thông: Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch bệnh động vật, các yếu tố nguy cơ, các biện pháp phòng chống dịch bệnh để người dân không hoang mang, chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế, thú y. Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí và hệ thống đài truyền thanh, truyền hình tỉnh và cơ sở tổ chức công tác truyền thông sâu, rộng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật.
UBND các huyện, thị xã, thành phố: Huy động các nguồn lực hợp pháp để xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh; triển khai các biện pháp, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển động vật bệnh, vứt xác động vật chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Tổ chức triển khai việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi, bảo đảm đạt tối thiểu trên 80% tổng vật nuôi hiện có được tiêm phòng trong thời gian sớm nhất có thể.
Đồng thời, hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cho đàn vật nuôi; tập trung các nguồn lực để tổ chức xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; chủ động xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp dấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về nguy cơ xảy ra dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
BBT
Hôm nay:
Hôm qua:
Trong tuần:
Tất cả: