Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phát triển Đắk Lắk nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm với 4 trụ cột tăng trưởng
Cập nhật lúc: 19/08/2024 46
Cập nhật lúc: 19/08/2024 46
Chiều 18/8, trong khuôn khổ chuyến công tác tại tỉnh Đắk Lắk, Đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk nhằm nghe báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị 7 tháng đầu năm 2024, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Tiếp và làm việc với Đoàn công tác có các đồng chí: Nguyễn Đình Trung- Bí thư Tỉnh ủy; Huỳnh Thị Chiến Hòa- Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Ngọc Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh, Sở, ngành và địa phương liên quan.
Các đại biểu tham dự hội nghị |
Tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Ngọc Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị 7 tháng đầu năm 2024 và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.
Theo đó, năm 2024 là mốc quan trọng khi tỉnh Đắk Lắk tròn 120 năm xây dựng và phát triển. Đây cũng là năm “nước rút” để về đích của giai đoạn 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Trong bối cảnh các thuận lợi, khó khăn đan xen, tỉnh đã bám sát chủ đề điều hành của Chính phủ là “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững” để tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện. Kết quả tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong 7 tháng đầu năm tiếp tục phát triển ổn định, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy |
Trong 16 chỉ tiêu chủ yếu, có 10 chỉ tiêu được đánh giá, còn 06 chỉ tiêu sẽ được đánh giá vào cuối năm. Cả 10 chỉ tiêu được đánh giá đều có mức tăng trưởng so với năm 2023. Qua đánh giá thì dự báo đến cuối năm 2024, đa số các chỉ tiêu sẽ đạt kế hoạch đề ra; tuy nhiên, khả năng sẽ có các chỉ tiêu khó đạt kế hoạch như: Tăng trưởng kinh tế; thành lập Doanh nghiệp mới; thu ngân sách nhà nước theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, nhất là thu tiền sử dụng đất.
Hiện nay, một trong những lợi thế lớn của tỉnh Đắk Lắk là nhiều mặt hàng nông sản chủ lực đã được xuất khẩu chính ngạch, thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng và giá cả ở mức cao; đồng thời, các ngành sản xuất, tiêu dùng cũng từng bước phục hồi nên việc nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu cũng tăng cao. Giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm ước đạt gần 25.500 tỷ đồng, tăng 4,13% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,38%; công nghiệp - xây dựng tăng 4,52%; dịch vụ tăng 4,04%.
Huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt hơn 15.600 tỷ đồng, tăng 3,62% so với cùng kỳ năm 2023. Giải ngân vốn đầu tư công đến hết ngày 31/7/2024 đạt 38,9% kế hoạch, cao hơn mức bình quân chung cả nước (32,2%), đứng đầu trong 05 tỉnh Tây Nguyên và đứng thứ 13/63 địa phương cả nước.
Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt gần 4.500 tỷ đồng, bằng 64,12% dự toán năm do Trung ương giao.
Xuất khẩu 7 tháng năm 2024 đạt 1,13 tỷ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ; nhập khẩu đạt 295 triệu USD, tăng 33,1%. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt hơn 62.600 tỷ đồng, tăng 9,52% so với cùng kỳ.
Các chính sách đảm bảo an sinh xã hội được triển khai kịp thời, thiết thực, đúng đối tượng. Tỉnh đã khởi công xây dựng 1.200 căn nhà (đạt 100% kế hoạch đề ra), trong đó bàn giao, đưa vào sử dụng 1.068 căn (89%); thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội...
Đồng chí Phạm Ngọc Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo kết quả phát triển kinh tế -xã hội 7 tháng đầu năm 2024 và chỉ tiêu nhiệm kỳ 2020 - 2025 |
Theo đồng chí Phạm Ngọc Nghị, tỉnh đã tập trung chỉ đạo, rà soát các nguồn thu, tăng cường công tác chống thất thu, nhất là ở các lĩnh vực mới như thương mại điện tử; đảm bảo thu đúng, thu đủ các loại thuế; tuy nhiên, do thị trường bất động sản trầm lắng nên tình hình thu biện pháp tài chính của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, không đạt kế hoạch đề ra; điều này đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thu ngân sách của tỉnh; đến nay, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt gần 4.500 tỷ đồng, bằng 64,12% dự toán Trung ương giao và 52,81% dự toán HĐND tỉnh giao.
Thu hút đầu tư có chuyển biến tốt, có nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu đầu tư trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh đã phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư cho 12 dự án với tổng số vốn đầu tư gần 2.900 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2021 đến nay UBND tỉnh đã phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư cho 70 dự án với tổng số vốn đầu tư hơn 32 nghìn tỷ đồng. Cải cách hành chính tiếp tục đạt những kết quả tích cực, chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) năm 2023 tăng 10 bậc, chỉ số PAPI tăng 10 bậc, chỉ số PCI tăng 09 bậc…
Tỉnh làm tốt công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; kịp thời đấu tranh, ngăn chặn các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; không để xảy ra vụ việc phức tạp, không để bị động, bất ngờ; đã kiện toàn và ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở gồm gần 2.200 tổ…
Lãnh đạo Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội tham gia ý kiến tại buổi làm việc |
Về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, qua gần 04 năm triển khai thực hiện tỉnh Đắk Lắk đã tranh thủ tối đa sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, sự phối hợp, hỗ trợ của các tỉnh; bám sát định hướng quy hoạch, các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra và tình hình thực tiễn của địa phương để cụ thể hóa chương trình, kế hoạch để triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ đã đề ra.
Tập trung chăm lo bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân; chú trọng giải quyết hài hòa lợi ích các thành phần kinh tế, tạo sự ổn định và phát triển. Trên cơ sở kết quả đánh giá giữa nhiệm kỳ, trong 16 chỉ tiêu chủ yếu tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII: Dự kiến có 12/16 các chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch 5 năm; có 03/16 chỉ tiêu chủ yếu và 01 chỉ tiêu thành phần có khả năng không đạt kế hoạch 5 năm đề ra.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr đề nghị Chính phủ quan tâm chính sách cán bộ người dân tộc thiểu số và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, chính sách đất đai |
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đắk Lắk xác định vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như : Tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nói chung và cơ cấu nội bộ từng ngành nói riêng còn chậm. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và quản lý đất đai còn bất cập; một số quy hoạch không phù hợp và chồng lấn với quy hoạch khác. Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới gia đoạn 2021-2025 có nhiều chỉ tiêu tăng thêm và yêu cầu cao hơn, nên chưa thực hiện được kế hoạch đề ra...
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đề nghị tỉnh rà soát đánh giá cán bộ là người dân tộc thiểu số toàn tỉnh, chú trọng cải cách hành chính, nâng cao năng lực cán bộ cấp cơ sở vững mạnh trong nhiệm kỳ tới |
Tại buổi làm việc, đại diện các Bộ, ngành đã tham gia ý kiến đánh giá kết quả phát triển của tỉnh Đắk Lắk, đồng thời đề xuất giải pháp để địa phương phát triển nhanh và bền vững phát huy vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên; đồng thời gợi mở những động lực mới để tỉnh phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương nỗ lực và những kết quả quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Đắk Lắk đã đạt được, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.
Về quan điểm, mục tiêu phát triển thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, cần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm trên cơ sở thu hút, huy động nguồn lực cho các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, tập trung vào 04 trụ cột tăng trưởng là: (i) Phát triển các sản phẩm nông, lâm sản lợi thế quy mô lớn, chất lượng cao, hướng tới thị trường xuất khẩu; (ii) Công nghiệp chế biến nông sản và sản xuất năng lượng tái tạo quy mô lớn; (iii) Kinh tế đô thị, hạ tầng số, hạ tầng thủy lợi; (iv) Dịch vụ logistics, du lịch dựa trên nền tảng số, kinh tế số, xã hội số.
Thủ tướng Phạm Minh chính yêu cầu tỉnh Đắk Lắk cần tập trung vào 4 trụ cột tăng trưởng và phát huy tinh thần “6 tăng cường” |
Phát triển kinh tế - xã hội song hành với xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Phát triển kinh tế - xã hội lấy con người là trung tâm, giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện phát triển đồng đều giữa các đồng bào dân tộc sinh sống trên địa bàn, trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác dân tộc, cán bộ người dân tộc, người làm công tác dân tộc.
Trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Đắk Lắk phát huy tinh thần “6 tăng cường”.
Theo đó, tăng cường niềm tin chính trị của nhân dân với Đảng, sự tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc giữa 49 dân tộc trên địa bàn và các dân tộc vùng Tây Nguyên, không để ai bị bỏ lại phía sau, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển.
Đồng chí Nguyễn Đình Trung – Bí Thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc |
Đồng thời, tăng cường cơ chế huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là hợp tác công tư, đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng giao thông để tạo không gian phát triển mới, khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu dịch vụ mới, giảm chi phí logistics, thời gian đi lại, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa.
Cùng với đó, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với phương châm "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài"; tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và vùng Tây Nguyên, chuyển dịch lao động từ khu vực nông thôn, nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, thành thị. Xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành “thành phố cà phê thế giới”...
Rà soát lại các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, trong đó có Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII;
Đẩy mạnh triển khai quy hoạch tỉnh Đắk Lắk ;đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển; đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; chú trọng công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; làm tốt công tác giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân; coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh;
Thủ tướng lưu ý cần tiếp tục đổi mới, tư duy, cách làm với quan điểm “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân”. Cùng với đó, xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê thế giới”, trung tâm đô thị vùng, góp phần quan trọng vào thúc đẩy phát triển vùng Tây Nguyên, địa bàn “chiến lược của chiến lược”, phên dậu quan trọng của Tổ quốc.
Tỉnh Đắk Lắk đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành quan tâm, xem xét 02 nội dung gồm: Quan tâm, có chủ trương thực hiện đầu tư các tuyến cao tốc còn lại kết nối khu vực Tây Nguyên với các vùng khác trong giai đoạn 2025-2030 theo các Quy hoạch , Nghị quyết đã đề ra; cụ thể là đầu tư: Tuyến cao tốc Pleiku (Gia Lai) - Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) để được ưu tiên đầu tư sớm đề nghị Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh phân kỳ thực hiện trước năm 2030 đối với Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây nêu trên; Tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) - Gia Nghĩa (Đắk Nông); Đề nghị Trung ương quan tâm bố trí ngân sách Trung ương để đầu tư tuyến đường giao thông đoạn kết nối điểm cuối đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột với Đại lộ Đông Tây, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk (Chiều dài khoảng 5,05 km), với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.500 tỷ đồng. |
Nguồn: daklak.gov.vn
Hôm nay:
Hôm qua:
Trong tuần:
Tất cả: