Trang bị kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh, sinh viên
Cập nhật lúc: 08/11/2022 511
Cập nhật lúc: 08/11/2022 511
Lồng ghép nội dung, kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) vào các môn học trong chương trình giáo dục chính khóa và các hoạt động giáo dục. Đây là một trong những nội dung của Kế hoạch số 210/KH-UBND ngày 31/10/2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Theo đó:
- Đối với giáo dục mầm non: Lồng ghép kiến thức, kỹ năng PCCC thông qua các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; sử dụng phương pháp giáo dục trực quan, minh họa thông qua hoạt động giáo dục phát triển thể chất.
- Đối với giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên: Lồng ghép với nội dung các bài học của môn học trong chương trình giáo dục chính khóa; thông qua các hoạt động trải nghiệm, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, hoạt động giáo dục kỹ năng sống và trong các hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt hè.
- Đối với Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk: Lồng ghép trong môn học giáo dục quốc phòng an ninh và các hoạt động ngoại khóa. Phối hợp với các đơn vị có chức năng trong công tác PCCC và CNCH tổ chức hoạt động đào tạo, thực hành, diễn tập phù hợp với nội dung chương trình đào tạo của các nhà trường.
Học sinh, sinh viên được trang bị kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH đảm bảo đủ thời lượng dạy lý thuyết cũng như thực hành, diễn tập (trẻ em mầm non bảo đảm tối thiểu 01 buổi/năm học; học sinh phổ thông, học viên các trung tâm giáo dục thường xuyên bảo đảm tối thiểu 02 buổi/năm học; sinh viên bảo đảm tối thiểu 03 buổi/năm học).
![]() |
Tuyên truyền về PCCC và CNCH tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa, huyện Buôn Đôn (Ảnh minh họa: Nguồn daklak.vn) |
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục bố trí đủ tài liệu cung cấp kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH; có đủ trang thiết bị giảng dạy và thực hành về PCCC và CNCH phù hợp đối với từng cấp học, trình độ đào tạo:
- Đối với cơ sở giáo dục mầm non: Có đủ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học (video clip, tranh, ảnh, hình vẽ, biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn...) minh họa về các nguồn cháy, nổ, nguồn nhiệt, một số sự cố, tai nạn thông thường để tổ chức các hoạt động giáo dục kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH.
- Đối với cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên: Bố trí khu vực huấn luyện tại nhà thể chất (Nhà đa năng) hoặc ngoài trời. Có thiết bị mô hình, phương tiện thực hành chữa cháy (Bình chữa cháy xách tay, lăng, vòi, chăn chiên, cát và các phương tiện, thiết bị tương tự, khay xăng, bình gas, xăng, dầu, mũ, găng tay bảo hộ). Có thiết bị mô hình, phương tiện thực hành CNCH cơ bản (Mặt nạ phòng độc, khăn, vải ướt băng, gạc, nẹp, cáng và các phương tiện, thiết bị tương tự).
- Đối với Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk: Bố trí khu vực huấn luyện tại nhà thể chất (Nhà đa năng) hoặc ngoài trời; có thiết bị mô hình hoặc hình ảnh về các hệ thống (Báo cháy tự động; chữa cháy tự động hoặc bán tự động; hệ thống họng nước chữa cháy trong, ngoài nhà; cấp nước chữa cháy trong nhà, trụ nước chữa cháy ngoài nhà); có phương tiện chữa cháy; có phương tiện thực hành CNCH cơ bản.
Ưu tiên sử dụng công nghệ thực tế ảo phục vụ huấn luyện, bồi dưỡng xử lý các tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn; sử dụng các sản phẩm thí nghiệm công nghệ mới để phục vụ thực hành, thí nghiệm có liên quan đến các hóa chất dễ gây cháy, nổ. Các cơ sở giáo dục chủ động kiểm tra hệ thống điện, nguồn khí gas tại nhà bếp; bảo đảm nguồn hóa chất thực hành, thí nghiệm rõ nguồn gốc, triển khai thực hiện công tác bảo quản và thu gom các hóa chất sau khi thực hành tại các phòng thí nghiệm đúng quy định pháp luật về an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy, nổ, sự cố, tai nạn.
BBT
Hôm nay:
Hôm qua:
Trong tuần:
Tất cả: