CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA CÁC PHÒNG, TRUNG TÂM THUỘC VĂN PHÒNG ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK LẮK
Cập nhật lúc: 08/11/2021 10717
Cập nhật lúc: 08/11/2021 10717
(Theo Quyết định số 92/QĐ-VPUBND ngày 11/11/2020 của Văn phòng UBND tỉnh; Quyết định số 3070/QĐ-UBND ngày 08/11/2021 của UBND tỉnh)
I. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CHUNG
1. Giúp lãnh đạo Văn phòng tham mưu, xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh
1.1. Tổng hợp đề nghị của các sở, ban, ngành của tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân về các lĩnh vực chuyên môn được phân công. Kiến nghị với lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh đưa vào chương trình, kế hoạch công tác những vấn đề cần tập trung chỉ đạo, điều hành hoặc giao cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng đề án, dự thảo văn bản về các lĩnh vực được phân công.
2.1. Xây dựng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành hoặc phê duyệt chương trình, kế hoạch công tác theo đúng quy định, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng. Kịp thời báo cáo, đề nghị điều chỉnh chương trình, kế hoạch công tác về các lĩnh vực chuyên môn được phân công để đáp ứng yêu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh.
3.1. Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất kết quả thực hiện; kiến nghị giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình, kế hoạch công tác liên quan đến lĩnh vực được phân công.
2. Giúp lãnh đạo Văn phòng phục vụ các hoạt động của Ủy ban nhân dân tỉnh trong lãnh đạo, điều hành các nội dung công tác liên quan đến lĩnh vực chuyên môn được phân công
2.1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị chương trình, nội dung, phục vụ các cuộc họp theo chương trình hoặc đột xuất của Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh. Thực hiện chế độ tổng hợp, ghi biên bản, xây dựng báo cáo, dự thảo thông báo kết luận của Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh.
2.2. Theo dõi, đôn đốc, tham mưu, chỉ đạo, kiểm tra công tác đối với các sở, ban, ngành, địa phương về các nội dung liên quan đến lĩnh vực, chuyên đề được phân công theo sự chỉ đạo của lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh.
3. Giúp lãnh đạo Văn phòng tiếp nhận, xử lý, trình Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết những văn bản, hồ sơ do các cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi, trình về các nội dung liên quan đến lĩnh vực được phân công
3.1. Đối với đề án, dự án, dự thảo văn bản do các cơ quan trình:
a) Thực hiện kiểm tra hồ sơ, trình tự, thủ tục, thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản; tóm tắt nội dung, nêu rõ thẩm quyền quyết định, sự đồng bộ trong chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh.
b) Đề xuất phương án giải quyết: ban hành, phê duyệt; đưa ra phiên họp của Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc lấy ý kiến các ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh; thông báo ý kiến của lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan trình chỉnh sửa lại; lấy thêm ý kiến của các đơn vị, cá nhân... theo đúng Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân tỉnh.
3.2. Đối với dự thảo báo cáo, bài phát biểu: phối hợp với các cơ quan liên quan biên tập, hoàn chỉnh theo chỉ đạo của lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh.
3.3. Đối với các văn bản khác: giúp lãnh đạo Văn phòng đề xuất với lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh giao cơ quan liên quan triển khai thực hiện; tổ chức các điều kiện cần thiết để Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý theo đúng quy định của pháp luật và nội dung văn bản đến.
3.4. Giúp lãnh đạo Văn phòng theo dõi, tổng hợp việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao theo quy định tại Quyết định số 42/2014/QĐ-TTg ngày 27/7/2014 (Quy chế 42); nhiệm vụ do Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao theo quy định tại Quyết định số 45/2016/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 và Quyết định số 06/2019/QĐ-UBND ngày 26/4/2019 (Quy chế 45).
3.5. Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh trong quan hệ phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh; các Ban xây dựng Đảng của Tỉnh ủy, các hội, liên hiệp hội về các nội dung công tác liên quan đến các lĩnh vực được phân công.
3.6. Theo dõi, tham mưu về công tác đấu thầu, mua sắm công, quyết toán kinh phí đầu tư; hoạt động của các quỹ thuộc lĩnh vực mà phòng theo dõi, phụ trách (trừ việc đấu thầu thuốc phục vụ khám, chữa bệnh do Phòng Kinh tế phụ trách); theo dõi, đôn đốc việc thực hiện chế độ báo cáo của các đơn vị, địa phương thuộc lĩnh vực lĩnh vực được phân công.
3.7. Theo dõi việc thực hiện hợp tác giữa tỉnh Đắk Lắk với các đơn vị, tổ chức trong tỉnh, ngoài tỉnh và nước ngoài liên quan đến các lĩnh vực được phân công.
3.8. Theo dõi, tham mưu giải quyết đối với các công việc liên quan đến các hoạt động: Kiểm toán; thanh tra; giải quyết khiếu nại tố cáo, phản ánh, kiến nghị, tiếp công dân; giải quyết các vấn đề cử tri, tổ chức, báo chí phản ánh; xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện các dự án đầu tư (sau khi có quyết định chủ trương đầu tư); xây dựng các quy hoạch, kế hoạch ngành, lĩnh vực… thuộc lĩnh vực được phân công.
3.9. Phối hợp với Ban Tiếp công dân tỉnh trong công tác tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh; phối hợp với Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh trong việc tham mưu giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh được tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm thuộc lĩnh vực được phân công.
I. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN RIÊNG
1. Phòng Tổng hợp
1.1. Giúp lãnh đạo Văn phòng theo dõi, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh về các lĩnh vực:
a) Tổng hợp, xây dựng, theo dõi việc thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của Ủy ban nhân dân tỉnh; phối hợp với các đơn vị liên quan theo đõi, đôn đốc các sở, các huyện thực hiện chương trình, kế hoạch công tác; đề xuất việc điều chỉnh chương trình, kế hoạch công tác. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, giải quyết các kiến nghị của cử tri; trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh và các đề nghị của Hội đồng nhân dân tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh theo quy định.
b) Đôn đốc các báo cáo, tài liệu phục vụ các cuộc họp thường kỳ của Ủy ban nhân dân tỉnh; theo dõi, tổng hợp báo cáo của các sở, ngành, đơn vị để xây dựng báo cáo tháng, quý, 6 tháng, năm, giữa nhiệm kỳ, nhiệm kỳ của Ủy ban nhân dân tỉnh; chuẩn bị tài liệu, giấy mời họp, ghi biên bản, chủ trì dự thảo thông báo kết luận các cuộc giao ban, các phiên họp của Ủy ban nhân dân tỉnh.
c) Theo dõi, kiểm điểm việc thực hiện Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân tỉnh; Quy chế làm việc của Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh. Theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Ủy ban nhân dân tỉnh với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; làm đầu mối tham mưu thực hiện quy chế phối hợp công tác giữa Văn phòng với Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh.
d) Theo dõi, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý, giải quyết các lĩnh vực cụ thể: công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện; phân bổ vốn đầu tư theo luật đầu tư công; xúc tiến đầu tư; hội nhập kinh tế; quyết định chủ trương đầu tư, dự án theo Luật đầu tư; theo dõi, đôn đốc chương trình hợp tác phát triển tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia; nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), nguồn vốn viện trợ phi chính phủ (NGO); nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); công tác tổ chức bộ máy, biên chế, chính quyền địa phương, địa giới hành chính; công tác tổ chức cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan hành chính, sự nghiệp của tỉnh; công tác thi đua khen thưởng, kỷ luật; rà soát, tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm và đột xuất về tình hình kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao theo Quy chế 42, Quy chế 45.
1.2. Theo dõi, làm đầu mối tham mưu giúp lãnh đạo Văn phòng phối hợp với các đơn vị: Văn phòng Tỉnh ủy; Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh; Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Sở Kế hoạch và đầu tư; Sở Nội vụ (trừ công tác tôn giáo, công tác thanh niên); Cục Thống kê tỉnh.
2. Phòng Kinh tế
2.1. Giúp lãnh đạo Văn phòng theo dõi, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý, giải quyết các lĩnh vực: Ngân sách nhà nước, quản lý giá (bao gồm cả giá đất), thuế, hải quan, phí, lệ phí của ngân sách nhà nước; kiểm toán, định giá, đấu giá tài sản, bất động sản; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; quản lý tài sản công (bao gồm cả mua sắm tài sản công); thương mại (bao gồm cả xúc tiến thương mại), hợp tác kinh tế quốc tế, dịch vụ, quản lý thị trường; theo dõi doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh, kinh tế tập thể; tái cơ cấu sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước và quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn Nhà nước; theo dõi, quản lý hoạt động của ngân hàng, quỹ đầu tư, phát triển và công tác quản lý tài chính khác thuộc ngân sách nhà nước; dịch vụ công ích đô thị; phê duyệt giá đất cụ thể và hệ số điều chỉnh giá đất phục vụ giao đất mới.
2.2. Theo dõi, làm đầu mối tham mưu giúp lãnh đạo Văn phòng phối hợp với các đơn vị: Sở Tài chính; Sở Công Thương (lĩnh vực thương mại); Liên minh các hợp tác xã; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Đắk Lắk; Kho bạc Nhà nước tỉnh; Cục thuế tỉnh; Cục Hải quan; Cục Quản lý thị trường; Quỹ đầu tư phát triển; Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh; các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, công ty bảo hiểm trên địa bàn tỉnh; Chi cục dự trữ quốc gia khu vực Nam Tây Nguyên, Công ty Xổ số kiến thiết Đắk Lắk.
3. Phòng Khoa giáo - Văn xã
3.1. Giúp lãnh đạo Văn phòng theo dõi, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý, giải quyết các lĩnh vực: Văn hóa, gia đình; thể dục, thể thao; du lịch, xúc tiến du lịch; giáo dục và đào tạo; khoa học công nghệ; phát thanh – truyền hình, quảng cáo; lao động, dạy nghề, giải quyết việc làm; xuất khẩu lao động; bảo hộ lao động, an toàn lao động; bảo vệ chăm sóc trẻ em; quy tập hài cốt liệt sỹ; các vấn đề xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội, AIDS, ma túy, mại dâm; vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới; bảo hiểm xã hội; chính sách người có công; chính sách đối với người nghèo; bảo trợ xã hội; y tế dự phòng, y tế cơ sở, y tế cộng đồng; khám chữa bệnh, phục hồi chức năng; giám định y khoa, pháp y, pháp y tâm thần; y dược cổ truyền; sức khỏe sinh sản; trang thiết bị y tế, dược phẩm; bảo hiểm y tế; dân số - kế hoạch hóa gia đình; công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; công tác thông tin và truyền thông, xây dựng chính quyền điện tử, bưu chính viễn thông, phát triển công nghệ thông tin của tỉnh; công tác trao đổi, cung cấp thông tin với báo chí; công tác thanh niên; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác dân vận chính quyền; làm đầu mối theo dõi công tác thực hiện Quy chế phối hợp của Ủy ban nhân dân tỉnh với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
3.2. Theo dõi, làm đầu mối tham mưu giúp lãnh đạo Văn phòng phối hợp với các đơn vị: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Y tế; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; Sở Thông tin và Truyền thông; Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh; Bưu điện tỉnh; Viễn thông Đắk Lắk; Liên hiệp các hội khoa học – kỹ thuật tỉnh; các Trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp thuộc tỉnh; Bảo hiểm xã hội tỉnh; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Tỉnh đoàn Thanh niên, Hội Chữ thập đỏ tỉnh.
4. Phòng Nội chính
4.1. Giúp lãnh đạo Văn phòng theo dõi, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý, giải quyết các lĩnh vực: Công tác quốc phòng, quân sự địa phương, động viên, công nghiệp quốc phòng, giáo dục quốc phòng, thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ; công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, công tác bảo vệ bí mật Nhà nước, cơ yếu, phòng chống khủng bố, nhân quyền, phòng chống tội phạm, quản lý hành chính về trật tự xã hội; công tác phòng cháy, chữa cháy; tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; công tác cải cách tư pháp, hộ tịch, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, theo dõi thi hành pháp luật, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; công tác thi hành án dân sự; công tác thanh tra; công tác phòng chống tham nhũng; trật tự an toàn giao thông; công tác ngoại vụ, đoàn ra, đoàn vào, làm đầu mối thực hiện công tác lễ tân đón tiếp các đoàn khách quốc tế đến làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh; công tác dân tộc và chính sách dân tộc; công tác tôn giáo; công tác phân giới cắm mốc.
4.2. Theo dõi, làm đầu mối tham mưu giúp lãnh đạo Văn phòng phối hợp với các đơn vị: Công an tỉnh; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh; Thanh tra tỉnh; Sở Tư pháp; Sở Ngoại vụ; Cục Thi hành án dân sự; Viện kiểm sát nhân dân tỉnh; Tòa án nhân dân tỉnh; Ban An toàn giao thông tỉnh; Hội đồng giáo dục Quốc phòng; Ban Dân tộc; Ban Tôn giáo (thuộc Sở Nội vụ); Trường Trung cấp Luật; Hội Cựu Chiến binh tỉnh.
5. Phòng Công nghiệp
5.1. Giúp lãnh đạo Văn phòng theo dõi, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý, giải quyết các lĩnh vực: Giao thông vận tải; trật tự đô thị, xây dựng đô thị; nước sinh hoạt, thoát nước, chiếu sáng, xử lý chất thải đô thị; cảnh quan đô thị (công viên, cây xanh, hồ nước…); xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đô thị; quản lý các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề tiểu thủ công nghiệp; quản lý đất đô thị; quy hoạch xây dựng; quy hoạch đô thị, không gian đô thị, kiến trúc; quản lý kinh doanh bất động sản; các khu đô thị, dân cư, nhà ở; xây dựng, phát triển hệ thống nghĩa trang, cơ sở hỏa táng, nhà tang lễ; công trình điện (tuyến điện, năng lượng tái tạo…); công tác khuyến công.
5.2. Theo dõi, làm đầu mối tham mưu giúp lãnh đạo Văn phòng phối hợp với các đơn vị: Sở Giao thông vận tải; Sở Xây dựng; Sở Công Thương (lĩnh vực công nghiệp); Ban Quản lý Các khu công nghiệp; Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp; Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn.
6. Phòng Nông nghiệp – Môi trường
6.1. Giúp lãnh đạo Văn phòng theo dõi, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý, giải quyết các lĩnh vực về Nông nghiệp và phát triển nông thôn, gồm: Lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi chăn nuôi, thú y, phòng chống dịch bệnh ở động vật, thực vật, nước sạch nông thôn bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, chương trình Nông thôn và Nông thôn mới, công tác phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai, khí tượng thủy văn, ứng phó biến đổi khí hậu, quy hoạch dân cư, sắp xếp dân cư, ổn định dân di cư ngoài kế hoạch, công nghệ sinh học; các lĩnh vực về Tài nguyên và Môi trường: Tài nguyên đất, khoáng sản, tài nguyên nước, môi trường, tham mưu xây dựng bảng giá đất giai đoạn 5 năm; theo dõi các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực phụ trách.
6.2. Giúp lãnh đạo Văn phòng theo dõi, làm đầu mối tham mưu giúp lãnh đạo Văn phòng phối hợp với các đơn vị: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Tài nguyên và Môi trường; Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh; Hội Nông dân tỉnh.
7. Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính
7.1. Giúp lãnh đạo Văn phòng theo dõi, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý, giải quyết các lĩnh vực: Công tác kiểm soát thủ tục hành chính; việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh; theo dõi, tham mưu thực hiện công tác cải cách hành chính; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính; tổ chức tập huấn về công tác kiểm soát thủ tục hành chính, tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; theo dõi việc thực hiện chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước theo Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 24/01/2019 của Chính phủ.
7.2. Theo dõi, làm đầu mối tham mưu giúp Lãnh đạo Văn phòng phối hợp với các sở, ngành của tỉnh về công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh.
8. Ban Tiếp công dân tỉnh
8.1. Tổ chức việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh. Giải thích, hướng dẫn công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đúng trình tự, thủ tục, đúng cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết; chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã được cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết đúng chính sách, pháp luật.
8.2. Phân loại, phối hợp với các phòng chuyên môn của Văn phòng để xử lý đơn nhận trực tiếp tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Tổng hợp tình hình, kết quả công tác tiếp công dân thuộc phạm vi trách nhiệm của Ban và của cơ quan, đơn vị tham gia tiếp công dân định kỳ, thường xuyên tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh; báo cáo định kỳ và đột xuất với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Thanh tra tỉnh và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư và phối hợp tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh bảo đảm theo đúng trình tự, quy định của Luật Tiếp Công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các quy định của pháp luật có liên quan.
8.3. Chủ trì tiếp hoặc phối hợp với Thanh tra tỉnh, cơ quan tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân của tỉnh và cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan tổ chức tiếp, xử lý trường hợp nhiều người khiếu nại, tố cáo kiến nghị, phản ánh về cùng một nội dung. Phối hợp với Công an tỉnh, Công an thành phố Buôn Ma Thuột, các huyện, thị xã nơi phát sinh vụ việc để vận động, thuyết phục hoặc có biện pháp để công dân trở về địa phương xem xét, giải quyết; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn cho cán bộ tiếp công dân, công chức, viên chức, người lao động tại Trụ sở Tiếp công dân, xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh theo quy định của pháp luật.
8.4. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Thanh tra Chính phủ (Ban tiếp công dân Trung ương) về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở Tiếp công dân của tỉnh; tổng hợp kết quả tiếp công dân hàng tháng và tổng hợp báo cáo các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người tại Trụ sở Tiếp công dân của tỉnh; đôn đốc việc giải quyết của các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan đối với các vụ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
9. Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh
9.1. Công khai đầy đủ, kịp thời bằng phương tiện điện tử và bằng văn bản danh mục thủ tục hành chính được thực hiện tại Trung tâm; các nội dung thủ tục hành chính được công khai theo quy định của pháp luật về kiểm soát thủ tục hành chính và Nghị định số 61/2018/NĐ-CP; hỗ trợ những trường hợp không có khả năng tiếp cận thủ tục hành chính được công khai bằng phương tiện điện tử.
9.2. Hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính; tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính; giải quyết hoặc chuyển hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính; trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; theo dõi, giám sát, đánh giá việc giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân; thu phí, lệ phí (nếu có) theo quy định.
9.3. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để giải quyết, trả kết quả cho tổ chức, cá nhân đối với trường hợp thủ tục hành chính yêu cầu giải quyết ngay trong ngày hoặc các thủ tục hành chính được giao hoặc ủy quyền cho công chức, viên chức tại Trung tâm giải quyết; hỗ trợ tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền và các cơ quan khác có liên quan tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức, viên chức được giao nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
9.4. Tiếp nhận, xử lý hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân đối với cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan có thẩm quyền liên quan đến việc hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết, chuyển hồ sơ giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm; chuyển ý kiến giải trình của cơ quan có thẩm quyền về các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo đến tổ chức, cá nhân.
10. Phòng Hành chính – Tổ chức
10.1. Tiếp nhận, phân loại văn bản do cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi đến Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh và Văn phòng. Quản lý, sử dụng con dấu, phát hành văn bản và lưu trữ văn bản, hồ sơ, tài liệu theo quy định. Thực hiện việc ban hành văn bản đi; in sao chụp văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, Văn phòng đúng quy định, kịp thời, thực hiện và hướng dẫn thực hiện chế độ bảo mật, lưu trữ theo quy định.
10.2. Là đầu mối phối hợp với các phòng giúp Chánh Văn phòng trong việc thực hiện Quy chế tổ chức và hoạt động của Văn phòng; công tác hành chính, cải cách hành chính, công tác phòng chống tham nhũng trong nội bộ cơ quan, công tác bảo vệ chính trị nội bộ; thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, văn hóa công sở tại Văn phòng; chuẩn bị nội dung, báo cáo cho cuộc họp giao ban của Văn phòng; giúp Chánh Văn phòng thực hiện công tác tổ chức nhân sự; chế độ tiền lương và các chế độ chính sách, đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý của Văn phòng; phân loại, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; công tác thi đua khen thưởng và tổng kết công tác cơ quan hàng năm.
10.3. Phối hợp với các phòng phục vụ các hội nghị lớn, hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, lễ hội do tỉnh và Trung ương tổ chức; xây dựng kế hoạch tổ chức kỷ niệm ngày truyền thống Văn phòng, gặp mặt cán bộ hưu trí…
11. Phòng Quản trị - Tài vụ
11.1. Đảm bảo phương tiện, điều kiện vật chất kỹ thuật; lễ tân, hình thức, nghi lễ theo quy định phục vụ các phiên họp của Ủy ban nhân dân tỉnh, các buổi làm việc, họp, tiếp khách của lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo Văn phòng. Đảm bảo điều kiện và phương tiện làm việc của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cơ quan.
11.2. Tham mưu, giúp Chánh Văn phòng quản lý về tài chính, tài sản của cơ quan; lập dự toán chi ngân sách và kế hoạch mua sắm tài sản, cải tạo, sửa chữa thường xuyên; tổ chức thực hiện và quản lý việc chi tiêu ngân sách; quy chế chi tiêu nội bộ của Văn phòng.
11.3. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị cơ sở vật chất, làm đầu mối tiếp nhận, phân công các đơn vị, cá nhân của Văn phòng tham gia đoàn viếng tang lễ và trực tiếp tham gia phục vụ các hoạt động phúng, viếng, điện chia buồn, thăm hỏi, chúc mừng liên quan đến Ủy ban nhân dân tỉnh và Văn phòng theo quy định; phục vụ các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, lễ hội do tỉnh và Trung ương tổ chức tại tỉnh.
11.4. Tổ chức công tác bảo vệ, kiểm tra, giám sát người, phương tiện ra vào, kiểm tra an ninh trật tự; quản lý cơ sở vật chất, tài sản, phương tiện, trang thiết bị của cơ quan; kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa các phương tiện trang thiết bị của cơ quan; chủ trì thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy, phòng chống thiên tai tại trụ sở cơ quan. Tiếp nhận, lập hồ sơ quản lý và đưa vào sử dụng hàng hóa, quà tặng (nếu có) do tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước gửi tặng UBND tỉnh và Văn phòng.
11.5. Thực hiện trích nộp quỹ bảo hiểm xã hội của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo quy định; là đầu mối, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tổ chức dịch vụ theo quy định (nếu có) trong cơ quan.
11.6. Tổ chức thực hiện sắp xếp, bố trí cảnh quan, hệ thống điện, đèn chiếu sáng công cộng, đèn bảo vệ, nguồn cung cấp điện; hợp đồng dịch vụ đảm bảo môi trường, vệ sinh khuôn viên, nhà làm việc cơ quan sạch đẹp.
12. Trung tâm Công nghệ và Cổng thông tin điện tử tỉnh
12.1. Về Cổng thông tin điện tử tỉnh, Trang thông tin điện tử Văn phòng UBND tỉnh
a) Quản trị và vận hành Cổng thông tin điện tử của tỉnh, đảm bảo cho Cổng thông tin điện tử của tỉnh hoạt động thông suốt liên tục, an toàn thông tin, dữ liệu;
b) Tổ chức thu thập, biên tập và cập nhật thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh;
c) Cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh; tổ chức liên kết, tích hợp thông tin, dịch vụ công trực tuyến với trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và UBND cấp huyện theo đúng các quy định, hướng dẫn của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và của UBND tỉnh;
d) Thực hiện công tác quản lý, duy trì hoạt động, biên tập, cung cấp thông tin cho Trang thông tin điện tử của Văn phòng UBND tỉnh.
12.2. Về quản lý, xuất bản Công báo
a) Giúp Chánh Văn phòng UBND tỉnh quản lý về tổ chức và hoạt động của Công báo tỉnh; xuất bản công báo và quản lý việc xuất bản, phát hành Công báo tỉnh theo quy định của pháp luật.
b) Tiếp nhận, đăng ký, công bố, lưu trữ văn bản gửi đăng Công báo do các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh và người có thẩm quyền ban hành gửi đến, lưu trữ ấn phẩm công báo theo quy định của pháp luật.
c) Rà soát, đối chiếu, kiểm tra lần cuối các văn bản trước khi đăng Công báo tỉnh; gửi trả văn bản và kiến nghị với cơ quan tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật gửi đăng Công báo để chỉnh sửa các sai sót kỹ thuật của văn bản (nếu có) trước khi đăng Công báo tỉnh.
d) Đề xuất, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền quyết định những vấn đề liên quan đến hoạt động Công báo tỉnh.
12.3. Về Công nghệ thông tin
a) Xây dựng, nghiên cứu, phát triển và triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm tin học phục vụ hoạt động chung của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh.
b) Bảo đảm các ứng yêu cầu kỹ thuật tin học cho hoạt động của Trang thông tin điện tử của Văn phòng UBND tỉnh;
c) Xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo về công nghệ thông tin (CNTT) của Văn phòng UBND tỉnh, tham gia đào tạo cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trong tỉnh; hợp tác với các đơn vị chuyên ngành CNTT để đào tạo và phát triển ứng dụng CNTT;
d) Nghiên cứu, đề xuất và chủ trì thực hiện các đề tài, dự án khoa học về lĩnh vực CNTT phục vụ công tác tin học hoá quản lý hành chính nhà nước; đề xuất các nhiệm vụ phát triển CNTT của Văn phòng UBND tỉnh;
đ) Xây dựng, quản lý, duy trì hoạt động đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật Cổng thông tin điện tử tỉnh, Trang thông tin điện tử Văn phòng UBND tỉnh, Công báo điện tử tỉnh;
e) Quản lý hệ thống mạng tin học của Văn phòng UBND tỉnh, bảo đảm phương tiện, điều kiện kỹ thuật để thực hiện giao ban trực tuyến giữa UBND tỉnh với Trung ương và HĐND, UBND các huyện, thành phố, HĐND, UBND các xã, phường, thị trấn theo quy định;
g) Tư vấn chuyển giao công nghệ, cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.
h) Xây dựng kế hoạch dài hạn, kế hoạch hoạt động hàng năm, tháng, quý của đơn vị theo quy định.
i) Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và báo cáo đột xuất về tình hình hoạt động của Trung tâm với Văn phòng UBND tỉnh và các cơ quan liên quan theo quy định.
12.4. Quản lý tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, số lượng người làm việc, lao động hợp đồng, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp; về tài sản, tài chính của Trung tâm theo quy định của Nhà nước và của tỉnh.
12.5. Hằng năm xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ, báo cáo Văn phòng UBND tỉnh để phê duyệt và quyết định phương thức giao kế hoạch cho đơn vị thực hiện. Quyết định các biện pháp thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch của đơn vị, kế hoạch của Văn phòng giao, đảm bảo chất lượng, tiến độ.
12.6. Tham gia đấu thầu cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của đơn vị được cấp có thẩm quyền giao; liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội theo quy định của pháp luật.
12.7. Xây dựng phương án sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của đơn vị trình cơ quan có thẩm quyền quyết định. Xây dựng vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; quản lý, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với viên chức, người lao động theo quy định của pháp luật; thuê hợp đồng lao động để thực hiện nhiệm vụ theo quy định.
12.8. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của cấp thẩm quyền.
Hôm nay:
Hôm qua:
Trong tuần:
Tất cả: