Tăng cường thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số trên địa bàn
Cập nhật lúc: 02/08/2022 230
Cập nhật lúc: 02/08/2022 230
Sáng 02/8, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số của tỉnh Nguyễn Tuấn Hà đã chủ trì phiên họp lần thứ 2 để đánh giá kết quả thực hiện công tác chuyển đổi số 6 tháng đầu năm và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.
![]() |
Quang cảnh phiên họp |
6 tháng đầu năm 2022, các đơn vị trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được một số nền móng quan trọng trong công tác chuyển đổi số như: hạ tầng kỹ thuật được đầu tư xây dựng nâng cấp; xây dựng được một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành; hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin và Internet phát triển nhanh chóng, bao phủ rộng khắp và hiện đại; tỷ lệ người dân sử dụng Internet và điện thoại thông minh cao, có tốc độ tăng trưởng nhanh.
![]() |
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trương Hoài Anh phát biểu tại phiên họp |
Đến nay, 100% cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã được trang bị máy tính; 100% cơ quan cấp tỉnh và UBND cấp huyện đã có hệ thống mạng nội bộ; 100% cơ quan Nhà nước có kết nối Internet băng thông rộng. Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành (iDesk) đã được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã. Tính đến ngày 15/6/2022, tỉnh Đắk Lắk có 1.538 thủ tục hành chính (TTHC) được cập nhật vào cơ sở dữ liệu TTHC trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, trong đó có 856 dịch vụ công cung cấp trực tuyến. Hệ thống cổng dịch vụ công tỉnh Đắk Lắk cung cấp 1.674 TTHC, trong đó có 407 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 và 655 DVCTT mức độ 4.
Cổng Dịch vụ công của tỉnh đã kết nối với nền tảng thanh toán tập trung trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia để triển khai thanh toán trực tuyến cho các DVCTT mức độ 4 của tỉnh có phí, lệ phí. Theo đó, từ ngày 15/12/2021 tới ngày 15/6/2022 có 9.549 giao dịch thanh toán trực tuyến, trong đó có 6.283 giao dịch thành công, với tổng số tiền thanh toán hơn 17,2 tỷ đồng.
![]() |
Phiên họp được tổ chức trực tuyến với các địa phương |
Kinh tế số tỉnh Đắk Lắk bước đầu đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Đến nay đã có 99.494 hộ sản xuất nông nghiệp được đưa thông tin lên sàn thương mại điện tử; có 2.487 sản phẩm được tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử với doanh thu tiêu thụ hơn 1,3 tỷ đồng. Các cơ sở giáo dục đã ứng dụng phần mềm quản lý trường vào dạy và học; các trạm y tế cấp xã đã triển khai ứng dụng quản lý thông tin y tế; xây dựng hệ thống khám chữa bệnh từ xa; lập hồ sơ sức khỏe điện tử…
Tuy nhiên, việc tích hợp, chia sẻ cơ sở dữ liệu của các ngành còn gặp khó khăn; việc cung cấp, giải quyết DVCTT còn một số vướng mắc, đặc biệt là việc cung cấp dịch vụ công mức độ 4; tại UBND các phường, xã chưa có cán bộ phụ trách công nghệ thông tin nên việc triển khai các ứng dụng, dịch vụ công nghệ thông tin còn gặp nhiều khó khăn…
![]() |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số của tỉnh Nguyễn Tuấn Hà phát biểu kết luận phiên họp |
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số của tỉnh Nguyễn Tuấn Hà đề nghị thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương cần tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số, từ đó quyết tâm, kiên trì thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số. Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện cơ sở dữ liệu dân cư đảm bảo chính xác, kịp thời phục vụ nhu cầu của công dân. Các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; thúc đẩy các cơ sở giáo dục, y tế tiên phong sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho các hoạt động thiết yếu…
BBT
Hôm nay:
Hôm qua:
Trong tuần:
Tất cả: